Diệt Tuyệt Sư Thái có một học trò yêu là Kỷ Hiểu Phù, người đã đính ước hôn nhân với đệ tử thứ sáu của Trương Tam Phong là Ân Lê Đình. Tuy nhiên trong lúc thực hiện mệnh lệnh của sư phụ là đi tìm tung tích thanh Đồ Long đao, Kỷ Hiểu Phù đã thất thân với Dương Tiêu (là Quang Minh Tả Sứ của Minh Giáo) và sinh ra một bé gái đặt tên là Dương Bất Hối (Dương là họ cha, Bất Hối là ý nói nàng không hối hận vì đã yêu Dương Tiêu). Sợ sư phụ trách tội, Kỷ Hiểu Phù đã không dám trở về Nga Mi mà đưa con gái Dương Bất Hối lưu lạc giang hồ.
Diệt Tuyệt Sư Thái tình cờ gặp lại Kỷ Hiểu Phù, sau khi nghe câu chuyện của cô và biết Dương Tiêu chính là kẻ thù của phái Nga My, bà đã yêu cầu cô phải giết Dương Tiêu. Vì tình yêu, Kỷ Hiểu Phù không thể vâng mệnh sư phụ. Diệt Tuyệt Sư Thái khi đó đã lạnh lùng xuống tay vung một chưởng đánh vào thiên linh cái, giết chết học trò yêu của mình trong sự bàng hoàng của nhiều môn hộ.
Diệt Tuyệt Sư Thái còn có một đệ tử nhỏ tuổi khác mà bà cũng đặt rất nhiều kỳ vọng là Chu Chỉ Nhược. Chu Chỉ Nhược vốn một cô gái cũng có bản tính nhu mì, hiền thục như Kỷ Hiểu Phù. Khi bị Triệu Mẫn giam trong Vạn An Tự, Diệt Tuyệt Sư Thái đã truyền chức chưởng môn cho Chu Chỉ Nhược và nói rõ bí mật về Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm cho cô. Vì biết đệ tử có tình yêu sâu nặng với Trương Vô Kỵ, người mà bà luôn cho là một đại ma đầu, bà bắt Chu Chỉ Nhược phải lập lời thề độc không lấy Trương Vô Kỵ làm chồng, chiếm đoạt Đồ Long Đao và Ỷ Thiên Kiếm, luyện thành võ công cái thế để tận diệt Minh Giáo và đánh đuổi quân Mông Cổ. Chính sự ép buộc này đã đẩy Chu Chỉ Nhược vào bi kịch bế tắc trong tình yêu và cuộc sống.
Mặc dù không phải là nhân vật chính, nhưng Diệt Tuyệt Sư Thái lại đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của tình tiết của bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Ỷ thiên đồ long ký. Điều này thể hiện ở các điểm sau đây:
Thứ nhất: Bà đã giết Kỷ Hiểu Phù nên gây oán với Dương Tiêu từ đó hai bên đánh nhau càng gây thêm mối oan cừu giữa hai phe chính tà trong võ lâm. Cũng chính hành động xuống tay không thương tiếc này đã làm cho Trương Vô Kỵ phải rong ruổi đưa Dương Bất Hối đi tìm cha và gián tiếp sau đó đưa chàng đến với Cửu Dương Thần Công.
Thứ hai: Chính Diệt Tuyệt Sư Thái là người chủ xướng liên kết lục đại môn phái vây đánh Quang Minh Đỉnh ra tay hạ sát người của Minh Giáo một cách tàn độc khiến Trương Vô Kỵ phải đứng ra can thiệp và chịu đựng ba chưởng của Diệt Tuyệt Sư Thái. Chính điều này đã gián tiếp đưa Trương Vô Kỵ lên Quang Minh Đỉnh và sau đó đến với Càn Khôn Đại Na Di và đưa chàng nổi danh trên võ lâm với trận kịch đấu trên Quang Minh Đỉnh.
Thứ ba: Bà là người ép Chu Chỉ Nhược cướp Đồ Long Đao, ám hại Trương Vô Kỵ. Chính hành động này là nguyên nhân của gần như tất cả những diễn biến về sau liên quan đến các nhân vật chính; Trương Vô Kỵ, Tạ Tốn, Triệu Mẫn, Tiểu Chiêu, Chu Chỉ Nhược...
Trong các tiểu thuyết dựa Kim Dung, Diệt Tuyệt Sư Thái được mô tả không phải là người sắt đá không tình cảm nhưng chỉ vì người yêu là Cô Hồng Tử chết về tay Dương Tiêu nên bà đổ hết thù hận vào giáo đồ Minh Giáo. Bà sáng tạo nên hai hai pho kiếm pháp là "Diệt kiếm" và "Tuyệt kiếm" để thực hiện ý đồ tần diệt Minh giáo của mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Chiến trong tập tiểu luận "Lai rai chén rượu giang hồ" đã gọi Diệt Tuyệt Sư Thái là Quái tượng chốn thiền môn: " Nhưng có lẽ chỉ có một con người quái dị đến với của thiền bằng cả tấm lòng thành nhưng sát tâm còn nặng hơn cả những ma đầu ngoài đời: đó là Diệt Tuyệt Sư Thái". Cảnh tượng một ni cô cầm Ỷ Thiên kiếm lạnh lùng chém những giáo đồ Minh giáo giữa sa mạc mà không một chút băn khoăn, khi những người này không còn khả năng chống cự và thản nhiên ngồi tụng kinh siêu độ nói về cõi thế vô thường, cảnh tượng đó nói lên được toàn bộ sự bất lực của bạo lực trước đức tin. Là môn đồ cửa Phật, lẽ ra chính Diệt Tuyệt sư thái phải hiểu được điều đó hơn ai hết. Nhưng bà vẫn làm điều đó có lẽ vì tự trong thâm tâm bà hiểu rằng bà chỉ tiêu diệt "tà ma ngoại đạo" trên danh nghĩa, nhưng thực ra là để báo thù riêng. Thậm chí bà còn biến mối tư thù của mình thành tôn chỉ cho môn đệ. Thân nương nhờ cửa Phật mà tâm chỉ toan tính chuyện báo thù, đó quả là điều gây kinh hãi suốt cổ kim".
Nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân cho rằng Diệt Tuyệt Sư Thái là một nhân vật tiêu biểu cho "Nghi vấn đạo đức trong Kim Dung: "Lẽ dĩ nhiên vẫn có những nhân vật tự xưng là đại diện cho chính nghĩa và những kẻ mang tiếng là của Tà đạo. Nhưng truyện Kim Dung sẽ cho người ta thấy sự phân biệt ấy là vô thực. Những người của tà đạo, ông cho tất cả những cám dỗ của nhan sắc, của sự thông minh, của tính anh hùng. Ấy là không kể người nào võ công cũng cao cường, cuộc đời cũng sôi nổi, tâm hồn cũng khoáng đạt. Cái tội duy nhất của họ là không coi đạo lý của thiên hạ vào đâu. Nhưng so với họ thì những người có trách nhiệm duy trì truyền thống đạo lý của võ lâm mới ương ngạnh, mới ngoan cố, mới câu nệ làm sao! Tiêu biểu cho thứ người này là Diệt Tuyệt Sư Thái thà chết chứ không để cho Vô Kỵ đụng tới vạt áo của bà, khi tên "tiểu dâm tặc" này định vận chưởng lực giúp bà nhảy xuống từ một lầu cao đang phát hoả. Diệt Tuyệt sư thái tuy nhiên mới là một cô gái già gàn dở."
Đăng nhận xét