Theo lời kể của khách giang hồ, Lưu Chính Phong nổi danh với đường Hồi phong lạc nhạn kiếm, một đường kiếm chém đứt cổ 3 con nhạn lớn. Và trong cuộc chiến với các cao thủ phái Tung Sơn ở cuộc rút lui giang hồ của ông, Lưu Chính Phong cũng chứng tỏ trình độ võ thuật siêu đẳng khi một chiêu bắt sống cao thủ Tung Sơn để khống chế các cao thủ khác rút lui. Lưu Chính Phong - đại diện cho chính phái, đã gặp Khúc Dương, trưởng lão "Ma giáo", - đại diện cho tà phái (theo quan niệm giang hồ khi đó), hai tâm hồn đã gặp nhau ở tấm lòng khoáng đạt, nhân hậu, yêu âm nhạc và nhanh tróng trở thành bạn tri kỉ của nhau. Lưu Chính Phong là cao thủ thổi tiêu, Khúc Dương là cao thủ chơi thất huyền cầm. Cả hai đã cùng nhau sáng tác khúc Tiếu ngạo giang hồ bi tráng, là bản nhạc cầm tiêu hợp tấu tuyệt đỉnh. Bản nhạc vừa mô tả những đâm chém đau thương trên giang hồ, nhưng cũng lại mang tấm lòng khoáng đạt của những con người yêu tự do và mong ước hòa bình cho giang hồ.
Theo phiên bản cũ trước khi Kim Dung sửa đổi, Khúc Dương và Lưu Chính Phong đã đi đào các ngôi mộ cổ để tìm khúc Quảng lăng của Kê Khang (nhạc sĩ cuối đời Tam Quốc) đã bị thất truyền, sau đó dựa trên trên khúc phổ này để sáng tác nên khúc Tiếu ngạo giang hồ tuyệt đỉnh. Có thể nói khúc Tiếu ngạo giang hồ là một bản hùng ca, ca ngợi tự do và mong ước hòa bình cho giang hồ. Chỉ có ba người được chứng kiến hai người lần cuối cùng cầm tiêu hợp tấu bản nhạc này là Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm và Khúc Yên Phi, cháu gái Khúc Dương trước khi hai người qua đời trên núi Hành Sơn. Hiểu được việc môn phái khó dung cho tình bạn hai người, Lưu Chính Phong đã làm lễ rửa tay chậu vàng, phong đao quy ẩn, rút lui khỏi giang hồ để cùng tri kỉ ngao du. Nhưng kế hoạch của ông đã bị Tả Lãnh Thiền phát hiện và phá hoại. Y đã sai tay chân đến phá hoại lễ rút lui giang hồ của ông, đem tính mạng của cả nhà Lưu Chính Phong và các đệ tử ép ông dừng việc này lại, đồng thời bắt Lưu Chính Phong phải giết chết Khúc Dương vì cho rằng ông này là Ma giáo xấu xa. Lưu Chính Phong đã khẳng khái từ chối, và phái Tung Sơn đã tàn sát cả gia đình Lưu Chính Phong, sau đó lại đánh cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương bị thương nặng. Trước đó, chúng còn hạ nhục Lưu Chính Phong bằng việc bắt cậu con trai nhỏ của Lưu Chính Phong quỳ gối cầu xin - biểu thị của sự hèn nhát - một điều tối kị của võ lâm.
Lưu Chính Phong và Khúc Dương chạy đến núi Hành Sơn, dùng chút tàn lực cuối cùng tấu bản nhạc Tiếu ngạo giang hồ một lần cuối cùng rồi bình thản bên nhau đi vào cõi vĩnh hằng. Trước khi chết, cả hai đã cầu xin Lệnh Hồ Xung đem khúc nhạc này truyền đến một truyền nhân xứng đáng để khúc nhạc tuyệt diệu không bị thất truyền. Họ không thể ngờ chính Lệnh Hồ Xung lại chính là một truyền nhân xứng đáng nhất của khúc nhạc đó. Có thể nói rằng Lưu Chính Phong xuất hiện rất ngắn nhưng chính là người tạo ra cốt lõi của câu chuyện. Một điều mà giang hồ luôn bàn tán và đồn đại là mối bất hòa giữa hai sư huynh đệ Lưu Chính Phong - Mạc Đại. Người ta nhìn vào gia cảnh đối nghịch của hai người để đồn rằng Mạc Đại ghen tị với sư đệ của mình do tài năng kiếm thuật kém xa sư đệ của mình. Nhưng thực tế Mạc Đại đã biểu diễn đường kiếm tuyệt diệu trong quán rượu, một kiếm lia đứt 7 chén rượu, chứng tỏ lời đồn đó là không có căn cứ.
Khi Lưu Chính Phong và Khúc Dương đang dùng tàn lực cuối cùng để chống lại sự tàn sát của Đại tung dương thủ Phí Bân với 5 người không còn khả năng kháng cự là Lưu Chính Phong, Khúc Dương, Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm, Khúc Yên Phi, Mạc Đại đã xuất hiện giết chết Phí Bân, bảo vệ 5 người, sau đó lại lặng lẽ biến mất với khúc Tiêu tương dạ vũ bi thương. Và Lưu Chính Phong đã tiết lộ cho những người xung quanh rằng huynh đệ của họ sở dĩ không hợp nhau là do bất đồng về sở thích âm nhạc. Lưu mê thổi tiêu, và âm nhạc của Lưu có xu hướng tươi vui ngạo nghễ (tiêu biểu là khúc Tiếu ngạo giang hồ), trong khi Mạc Đại mê chơi hồ cầm, âm nhạc của Mạc Đại lại mang đầy chất bi ai, thương cảm (khúc Tiêu tương dạ vũ).
Đăng nhận xét