Độc cô cửu kiếm

Độc Cô Cửu Kiếm là một bí kíp kiếm thuật tối thượng xuất hiện trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, bắt nguồn từ nhân vật không xuất hiện mang tên Độc Cô Cầu Bại và có hai nhân vật sử dụng thành thục là Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung. Độc cô cửu kiếm được coi là triết lý đặc sắc của Đạo gia đề cao việc sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt theo phương châm "dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu" (không có chiêu số mà thắng chiêu số).


Độc cô cửu kiếm được tạo ra bởi Độc cô cầu bại, nhân vật chưa bao giờ xuất hiện thật sự trong các tiểu thuyết của Kim Dung, mà chỉ xuất hiện qua các huyền thoại bởi lời kể của các nhân vật khác về một cao thủ có võ công đạt mức lư hỏa thuần thanh do năm xưa tự mình sáng chế để tiêu diệt kẻ thù đã hại chết cha mẹ mình là Bạch Thành Trung, đặc biệt là trình độ kiếm thuật cao siêu không ai địch nổi. Ông ta tung hoành giang hồ suốt một đời mà không từng bị thất bại, không tìm được đối thủ của mình. Ông ta cô độc cho đến chết mà chỉ mong được một lần bại trận bởi đối thủ nên có tên là Độc cô cầu bại.

Tuy nhiên, đôi khi cũng có thể hiểu chính những người sử dụng Độc cô cửu kiếm là những "Độc cô cầu bại". Nhân vật Độc cô Cầu bại xuất hiện qua lời kể của Phong Thanh Dương trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ và trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ khi con thần điêu (người bạn còn sống sót của Độc cô Cầu bại) đưa Dương Quá đến mộ Độc cô cầu bại và qua đó học được triết lý kiếm thuật của Độc cô. Tuy nhiên, qua miêu tả về kiếm pháp của Dương Quá trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp và kiếm pháp của Độc cô cửu kiếm trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, ta có thể rút ra nhận xét đây là hai môn võ công có nhiều điểm khác biệt, thậm chí theo một số nhận xét là hoàn toàn tương phản. Do vậy giả thuyết cho rằng Độc Cô Cầu Bại vẫn còn có truyền nhân khác được ủng hộ hơn cả.

Theo lời của Phong Thanh Dương, Độc cô cửu kiếm có 9 nguyên lý chính:
  1. Tổng quát thức: Là các quy luật chung, các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật: di chuyển, quan sát, tấn công... Các biến hóa trong tổng quát thức dựa trên các quy luật biến hóa của bát quái trong Kinh Dịch với 360 cách biến hóa.
  2. Phá kiếm thức: Là các quy tắc phá kiếm thuật.
  3. Phá đao thức: Các quy tắc tấn công đối thủ dùng đao.
  4. Phá thương thức: Quy tắc tấn công các đối thủ sử dụng thương, giáo, kích, gậy...
  5. Phá tiên thức: Hóa giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt...
  6. Phá sách thức: Phá trường sách, nhuyễn tiên, tam thiết côn, trùy...
  7. Phá chưởng thức: Hóa giải quyền, cước, chỉ, chưởng (võ công sử dụng trực tiếp tay, chân, công lực...)
  8. Phá tiễn thức: Dùng để phá các tên, ám khí.. chẳng những dùng kiếm gạt ám khí mà có thể phản công trở lại. Một minh họa điển hình của chiêu thức này là Lệnh Hồ Xung dù mất hết nội lực vẫn sử dụng một chiêu kiếm xuất thần đâm mù mắt 15 đại cao thủ vây quanh trong miếu Dược Vương.
  9. Phá khí thức: Dùng để hóa giải các đối thủ có nội công thượng thặng.

Trong tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ, Độc cô cầu bại sống cô độc trên núi hoang với con chim điêu, trước khi chết đã chôn các thanh kiếm của mình trong đá với ba triết lý:

Lúc trai trẻ lòng đầy nhiệt huyết mà thiếu sự chín chắn thì sử dụng tử vi kiếm là thanh bảo kiếm sắc, nhẹ và linh hoạt.

Khi đạt độ chín của suy nghĩ và sức lực, sử dụng thanh kiếm sắt nặng nề mà không sắc bén.

Khi bắt đầu về già, suy nghĩ và kiếm thuật đạt trình độ cao, vũ khí chỉ còn là thanh kiếm gỗ và đạt mức thượng thừa thì không kiếm mà thắng đối thủ, bất cứ thứ gì cũng là kiếm.

Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, không ai rõ Phong Thanh Dương học Độc cô cửu kiếm qua người nào, chỉ biết ông ta là một truyền nhân của triết lý Độc cô cầu bại với kiếm thuật Độc cô cửu kiếm thần kỳ tung hoành trên giang hồ khi trai trẻ. Đồng thời, Phong Thanh Dương là người phát triển lý luận của Độc cô cửu kiếm đến trình độ tối thượng: "Chiêu số là phần tĩnh, người phát chiêu mới là động. Chiêu số tĩnh phá giải kỳ tuyệt đến đâu mà khi gặp chiêu số động liền chịu bó tay, vì vậy người học võ luôn cần nghĩ đến chữ động....

Luyện võ và sử chiêu linh động mới chỉ là bước đầu, luyện đến trình độ ra tay không còn chiêu thức mới tiến vào trình độ tuyệt luân. Theo người thì những chiêu luyện tới chỗ tối cao là không tài nào phá giải được. Ý nghĩ đó chỉ đúng có một điểm là chiêu thức dù có cao đến đâu mà để đối phương tìm thấy đường lối là có thể nhận ra kẽ hở phá mình ngay. Còn như đã không có chiêu thức thì địch nhân còn phá vào đâu?". Theo Phong Thanh Dương, kiếm thuật thượng thừa đòi hỏi người sử dụng kiếm sử dụng chiêu thức biến hóa liên tục như nước chảy mây trôi, tùy theo sự thay đổi của đối thủ mà điều chỉnh lại chiêu thức của mình, lấy sự tấn công làm phòng thủ.

Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung đã phát huy năng lực của Độc cô cửu kiếm và đã trở thành những cao thủ bất bại trên giang hồ. Theo lý luận của Phong Thanh Dương, Độc cô cửu kiếm tối kị tính học thuộc mà đòi hỏi một chữ Ngộ và khi đó thì dù có quên thì lại càng phát huy khả năng phong phú của kiếm thuật. Và bản thân Phong Thanh Dương cũng đã trở thành một Độc cô cầu bại khi cuối đời ẩn cư một mình trên đỉnh Ngọc Nữ phong hoang vắng trên núi Hoa Sơn và mong chờ được thất bại dưới tay một đối thủ chân chính.

Với những lý luận này, Độc cô cửu kiếm đã thoát ra khỏi sự hạn hẹp của kiếm thuật, mà đã trở thành triết lý sống của Phong Thanh Dương cũng như Lệnh Hồ Xung, và trở thành một triết lý đặc sắc của Tiếu ngạo giang hồ. Triết lý này đề cao sự tự do, sống và hành động linh hoạt phù hợp với các quy luật tự nhiên, phát huy sự sáng tạo và hạn chế sự dập khuôn máy móc.

0/Post a Comment/Comments